Các cách đặt tên doanh nghiệp phổ biến
Tên doanh nghiệp là một phần thương hiệu của doanh nghiệp. Đặt tên doanh nghiệp không hề khó tuy nhiên cũng không dễ. Bởi lẽ, cái tên phải thể hiện được cái hay, cái hấp dẫn và cái hồn doanh nghiệp. Tên là cái sẽ đồng hành theo năm tháng. Vì thế hôm nay Branding360 sẽ gợi ý bạn một vài cách đặt tên cho doanh nghiệp của mình.
1. Đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng cá nhân
Việc đặt tên theo tên riêng cá nhân rất phổ biến. Không chỉ ở Việt Nam mới dùng cách này mà trên rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng cách này. Có nhiều cách để áp dụng tên riêng cá nhân:
- Đặt theo tên của chủ doanh nghiệp: ví dụ The Trump Organization LLC là công ty của tổng thống Mỹ Donald Trump;
- Đặt theo tên của nhiều người sáng lập doanh nghiệp cùng lúc: ví dụ Mạnh Dũng, Tấn Phát Sang, …
- Đặt theo tên vợ chồng, con cái và người thân… ví dụ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (đặt theo tên của con trai bầu Đức);
2. Đặt tên theo ngành nghề kinh doanh
Cách đặt tên theo ngành nghề kinh doanh làm cho người đọc có thể dễ dàng nhận biết được lĩnh vực hoạt động của công ty. Đây là cách đơn giản, không cầu kì mà doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng. Tuy nhiên, tên theo ngành nghề kinh doanh rất phổ biến và nó không có tính sáng tạo cao.
Ví dụ như:
- Công ty TNHH xây dựng Quang Dũng;
- Công ty cổ phần thủy sản Bình An;
3. Đặt tên công ty theo địa danh
Cách đặt tên như vậy nhằm nhấn mạnh tính bản địa của công ty. Từ đó tạo lợi thế doanh nghiệp ở địa phương. Với một số ngành nghề, sản phẩm sẽ được đánh giá cao khi được sản xuất tại các địa danh nhất định. Vì thế, đặt tên theo cách này có thể làm gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Một vài ví dụ cụ thể như:
- Lấy địa danh làm tên chính: Bất động sản Hà Nội
- Lấy địa danh nổi tiếng về loại sản phẩm đang kinh doanh: Nước mắm Phan Thiết, Yến Khánh Hòa, Vang Đà Lạt, Chè Thái Nguyên, gốm Bát Tràng
- Lấy tên ghép của các quốc gia: Việt Trung, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Lào ….
- Lấy tên địa danh làm chỉ dẫn xuất xứ: Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An …
4. Đặt tên theo biểu tượng
Có rất nhiều người có sở thích đặc biệt với bất kì biểu tượng nào đó. Và tất nhiên có thể dùng biểu tượng yêu thích đó để đặt tên cho doanh nghiệp.
Ví dụ như Hoa Sen là quốc hoa của Việt Nam và nhiều người dùng biểu tượng này đặt tên cho công ty.
- Công ty TNHH truyền thông Bông sen trắng;
- Công ty Cổ phần du lịch Bông sen vàng;
- Công ty TNHH xây dựng thương mại Bông sen vàng;
Hoặc một vài biểu tượng khác như: Sao kim, Sao thủy,…
Hay biểu tượng từ những con vật:
- Công ty TNHH Sư tử biển;
- Công ty TNHH Bạch Hổ;
5. Đặt tên doanh nghiệp bằng ngoại ngữ
Đặt tên công ty bằng ngoại ngữ ngày càng được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Đặc biệt, nếu công ty hoạt động liên quan tới thị trường ngoại quốc thì ngoại ngữ lại là một lợi thế lớn. Cái tên nghe không chỉ hiện đại mà nó còn hạn chế sự trùng lặp. Từ đó thể hiện được sự khác biệt với các doanh nghiệp cạnh tranh cùng lĩnh vực.
- Công ty TNHH Thaco Seafood (Seafood là hải sản);
- Công ty hàng tiêu dùng Masan
- Máy lọc nước Akamoto,
- Cửa nhựa Ausdoor, ….
Bằng những gợi ý trên, chúng tôi hy vọng bạn có thể xây dựng ý tưởng để có một cái tên thật phù hợp với doanh nghiệp mình.